Giá vật liệu xây dựng (VLXD) tăng vọt trong vòng mấy tháng qua đang tạo áp lực lớn và ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của các chủ đầu tư, đặc biệt là nhà thầu xây dựng và doanh nghiệp VLXD. Báo Tuổi Trẻ TV đã thực hiện phóng sự ngắn với ông Phan Khắc Long - Chủ tịch HĐQT Phan Vũ Group để ghi nhận từ những doanh nghiệp trong cuộc, những khó khăn các doanh nghiệp đang gặp phải.
Tuổi Trẻ TV: Thời gian gần đây giá VLXD có xu hướng tăng cao, trong đó giá thép tăng đột biến, không theo quy luật thông thường đã tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư xây dựng. Ông có thể đưa ra nhận định về tình hình giá của nguyên vật liệu hiện nay?
Ông Phan Khắc Long: Đây là biến động quá lớn và không được chuẩn bị trước của các doanh nghiệp (DN), đặc biệt ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp VLXD như Phan Vũ chúng tôi. Theo ước tính, giá thép (tùy loại) đã tăng khoảng 30%, có những loại tăng đến 50%. Biến động này không được hoạch định và dự báo trước, trong khi chúng ta đang phải căng mình ra chống dịch Covid, một mặt trận đã hết sức khó khăn rồi thì nay phải chống đỡ thêm một mặt trận khác - cơn bão giá NVL!
Ngoài giá thép, các NVL khác như cát, đá...cũng đã tăng gần 100% và xi măng, vận tải (logistic) cũng đều tăng giá. Trong đó, giá thép tăng gây ảnh hưởng rất lớn đến ngành sản xuất VLXD, vì cấu tạo giá thành của cấu kiện bê tông đúc sẵn thì thép chiếm khoảng 40 - 50% giá thành. Do đó, nếu giá thép tăng 30% thì sẽ làm cho giá thành sản phẩm tăng khoảng 15% và nếu thép tăng 50% đồng nghĩa với giá thành sản phẩm phải tăng từ 20 - 25%, như thế sẽ vô cùng khó khăn!
Tuổi Trẻ TV: Giá nguyên vật liệu tăng phi mã đã ảnh hưởng như thế nào đến các nhà thầu xây dựng, các doanh nghiệp VLXD?
Ông Phan Khắc Long: Điều chắc chắn là khi giá NVL tăng cao thì giá sản phẩm sẽ tăng theo. Đây sẽ là cú sốc rất lớn đối với các DN lớn như chúng tôi, bởi kế hoạch sản xuất thường đi trước từ 3 - 6 tháng. Khi chúng tôi ký hợp đồng trước 3 tháng mà sau đó NVL lại tăng giá thì đó là một cú sốc rất lớn đối với bản thân Công ty chúng tôi lẫn khách hàng - là những chủ đầu tư. Mặc dù các chủ đầu tư cũng rất thông cảm rằng sự tăng giá đột biến với một biên quá lớn thì chúng tôi khó mà ứng phó, nhưng một khi kế hoạch tài chính đã được phê duyệt thì sẽ rất khó khăn khi chúng tôi yêu cầu tăng giá, dù họ cũng đồng ý rằng đây là một yêu cầu hợp lý!
Trong trường hợp này nếu là các DN nhỏ sẽ có lợi thế hơn các DN lớn, vì các ký hợp đồng ngắn hạn sẽ dễ xoay chuyển hơn. Đối với các hợp đồng lớn, dài hạn và đặc biệt là hợp đồng xuất khẩu một khi L/C đã mở rồi thì DN phải chấp nhận mọi rủi ro. Cho nên có thể nói rằng, bão Covid đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các DN nhưng bão giá thì đã quét sạch những lợi nhuận có thể hy hữu còn lại của DN, dẫn tới nhiều DN rơi vào vòng xoáy thua lỗ hoặc thậm chí vỡ trận.
Tuổi Trẻ TV: Vậy theo ông, chúng ta nên có những đề xuất, các giải pháp như thế nào để tháo gỡ cho các công trình xây dựng trước biến động giá vật liệu xây dựng như hiện nay?
Ông Phan Khắc Long: Để tháo gỡ nút thắt thì cần phải xem xét đến yếu tố vĩ mô, ở đây chúng ta cần xét đến yếu tố vĩ mô của thế giới chứ không riêng Việt Nam. Tất nhiên, đối với các DN Việt Nam thì cần theo dõi và đánh giá thị trường Trung Quốc, bởi Trung Quốc là một thị trường rất lớn và “sát nách” Việt Nam, cho nên sự ảnh hưởng của thị trường Trung Quốc đối với thị trường Việt Nam là rất lớn. Khi Trung Quốc vừa kiểm soát được dịch Covid và tung ra các gói kích cầu để vực dậy nền kinh tế thì rõ ràng sự ảnh hưởng đối với Việt Nam là rất lớn, bởi cung - cầu bị đảo lộn. Trong khi hàng loạt các nước Châu Âu, Mỹ bị đứt gãy cung - cầu thì việc tăng giá là vấn đề chúng ta không thể xoay chuyển được, đây là vấn đề của thị trường. Chúng ta chỉ có thể xem xét lúc này là nhanh chóng tìm ra các giải pháp để ứng phó, để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường.
Phan Vũ cũng đang điều hành theo chuỗi cung ứng cho nên theo tôi giải pháp căng cơ là chúng ta sẽ phải xét từ đầu chuỗi đến cuối chuỗi. Cần xét rằng nếu giá tăng mà chúng ta có thể khống chế được ở đầu chuỗi thì trong quá trình chuỗi chạy cho đến cuối chuỗi - người thụ hưởng cuối sẽ không bị thay đổi. Cho nên nguyên nhân căn bản là đầu chuỗi tăng thì chúng ta phải giải quyết vấn đề ở đầu chuỗi. Tuy nhiên, vấn đề ở đầu chuỗi thì thuộc về cấp vĩ mô, cấp Nhà nước và chúng tôi là DN nằm giữa chuỗi cung ứng, do đó phải nhanh chóng thích ứng.
Một vấn đề nữa là về phía người mua, các chủ đầu tư cũng nên thông cảm và có khoảng dự phòng cho các biến động này. Trong các hợp đồng hiện nay đã có thêm một điều khoản mở để chia sẻ các khó khăn đôi bên một cách hợp lý. Giả sử nêu giá các NVL chính tăng 5% thì nhà cung cấp chấp nhận cắt lợi nhuận, nhưng nếu sự chênh lệch giá tăng lên từ 10 - 15% trở lên thì hai bên phải chia sẻ, phải hỗ trợ nhau để vượt khó khăn.
Tuổi Trẻ TV: Cảm ơn những chia sẻ của ông!