Ba lỗi thường gặp khi thi công khoan hạ cọc bê tông ly tâm

Với vai trò là đơn vị đề nghị toàn bộ nội dung để Bộ Khoa học & Công nghệ công bố Tiêu chuẩn TCVN 7201:2015 về Khoan hạ cọc bê tông ly tâm - Thi công và nghiệm thu, Công ty Cổ phần Đầu tư Phan Vũ đã đưa ra một số lỗi thường gặp trong quá trình thi công khoan hạ cọc bê tông ly tâm và biện pháp xử lý như:


Công trường khoan hạ cọc bê tông ly tâm (minh họa)

1. Lỗi cọc bị đẩy trồi lên trong quá trình hạ

Trong một số trường hợp thi công hạ cọc theo phương pháp khoan tạo lỗ trước cọc có xu hướng bị đẩy trồi lên do mũi cọc thường bị bịt kín bằng dung dịch vữa xi măng mác cao, cọc rỗng bên trong, khi hạ vào trong lỗ khoan trước có dung dịch khoan hoặc vữa xi măng do đẩy nổi, cọc càng dài đường kính càng lớn thì lực đẩy càng mạnh.

Khi đó để cọc không bị đẩy trồi lên, có thể đưa dung dịch khoan và vữa xi măng vào trong lòng cọc để giảm lực đẩy nổi hoặc kết hợp ép ghì đầu cọc. Trường hợp vữa xi măng dâng lên đến đầu cọc thì phải có phương  án xử lý, vệ sinh để tránh ảnh hưởng đến công tác thi công thép neo liên kết giữa cọc với đài. 

2. Lỗi không hạ được cọc do sạt lở thành và chất lắng 

Khi khoan có thể bị sập thành dẫn đến không hạ được cọc đến cao độ thiết kế hoặc mũi cọc không tựa vào tầng đất chịu tải. Khi đó, cần có biện pháp bảo vệ thành hố khoan và thổi rửa làm sạch mũi cọc. Ngoài ra có thể phòng chống sạt thành hố khoan bằng cách điều chỉnh cấp phối vữa gia cố quanh thân cọc hoặc dung dịch khoan. Nên sử dụng loại bentonite nhớt cao, độ kết dính đảm bảo ổn định thành vách và chống lắng của cuội sỏi hoặc cát. 

Trong trường hợp khắc phục cọc vẫn không hạ đến cao độ do sạt thành vách, nhà thầu sẽ thực hiện công việc khoan lại. Trước khi khoan cần bơm vữa xi măng xuống hố khoan và khi rút cần lên phải quay ngược để giữ thành. Sau khi vữa xi măng đông cứng, thành hố khoan ổn định có thể tiến hành khoan lại. Biện pháp này tốn thời gian và chi phí, cần được xem xét kỹ lưỡng trước khi thực hiện. 

3. Lỗi không hạ được cọc do thành hố khoan bị thu hẹp 

Trường hợp đất nền san lấp hay xen kẹp tầng đất yếu thành hố khoan có xu hướng bị thắt lại gây cản trở quá trình hạ cọc gây khó khăn trong việc xoay ấn xuống hay kéo lên. Khi đó cần cân bằng áp lực thành hố khoan với áp lực của dung dịch trong hố.

Lưu ý, khi sử dụng vữa xi măng có tỷ trọng lớn sẽ gây khó khăn cho việc hạ cọc. Tiến hành khuấy trộn lên xuống nhiều lần để làm thẳng thành hố khoan đồng thời khi hạ cọc được thuận lợi.

Tham khảo toàn bộ nội dung Tiêu chuẩn TCVN 7201:2015 về Khoan hạ cọc bê tông ly tâm - Thi công và nghiệm thu tại Thư viện Tiêu chuẩn hoặc Thư viện Pháp luật

 

 

Công ty Cổ phần Đầu tư Phan Vũ

Địa chỉ: A2 Trường Sơn, Phường 2, Quận Tân Bình, TP. HCM

Email: phanvu@phanvu.com - Điện thoại: +84 (028) 22200884-6 - Fax: +84 (028) 22200887

© 2016 PhanVuGroup. All rights reserved.